Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 56

Kinh Upàli
( Upàlisuttam )

- Discourse With Upàli -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Thân phạt : Kàyadandam : Wrong deed of body : Hành động sai lầm của thân dẫn đến phiền não, rối loạn.

- Khẩu phạt : Vacìdandam : Wrong deed of speech : Hành động sai lầm của miệng ( lời ) dẫn đến phiền não, rối loạn.

- Ý phạt : Marodandam : Wrong deed of mind : Hành động sai lầm của ý dẫn đến phiền não rối loạn.

II. NỘI DUNG KINH UPÀLI

1. Tại rừng Pavarikamba, Nalandà, ngoại đạo sư Nigantha Dìghatapassi đến yết kiến Thế Tôn và trao đổi quan điểm về thuyết nghiệp ( Kamma ). Dìghatapassi xác định chủ trương về Nghiệp của Nigantha Nàtaputta rằng:"Có ba loại để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân phạt, khẩu phạt và ý phạt ( khác nhau ). Thân phạt là tối trọng dẫn đến ác nghiệp ".

Thế tôn thì chủ trương trong ba nghiệp, thân, khẩu, ý thì ý nghiệp là tối trọngđể tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp.

2. Sau đó, Nigantha Nàtaputta cử gia chủ Upàli, thuộc Ni-kiền-tử, người thời danh, đến tranh luận với Thế Tôn về thuyết Nghiệp với sự chuẩn bị rất chu đáo hy vọng đánh bại thuyết Nghiệp của Thế Tôn. Nhưng sự thật thì ngược lại, sau khi Thế Tôn nêu lên sự thật căn cứ vào thực tại thì ý nghiệp là quyết định hình thành nghiệp. Upàli quy hướng Thế Tôn với lòng đầy ngưỡng mộ.

3. Upàli vốn là người nổi danh và rất giàu có, là chỗ dựa của các Nigantha về vật chất. Thế Tôn khuyên Upàli tiếp tục hộ trì cho Nigantha. Điều nầy khiến Upàli thêm quý kính thái độ xử sự của Thế Tôn, xin trọn đời làm đệ tử của Thế Tôn.

Thế Tôn tiếp tục nói Pháp khai ngộ Upàli, lần lượt theo trình tự các pháp : Bố thí, Giới hạnh, Cõi trời, sự nguy hiểm, ô nhiễm của các dục và sự xuất ly chúng : tiếp đến Tứ Thánh đế. Upàli, ngay chỗ nghe Pháp, đắt Pháp nhãn vô trần, ly cấu ; " Phàm Pháp gì khởi lên, tất cả Pháp ấy đều bị tiêu diệt ". Upàli thấy Pháp, chứng Pháp, ngộ Pháp và thể nhập Pháp.

4. Từ đó, Upàli đóng cửa không tiếp đón và không hộ trì các Nigantha nữa. Nigantha Nàtaputta, sau đó, cùng với chúng Nigantha đến trú xứ của Upàli để biết rõ sự tình, Upàli đã là đệ tử đức Phật. Tại đó, Upàli đã hết lời tán dương vô số đức và tuệ của Thế Tôn. Nàtaputta phẫn nộ đến thổ huyết ngay tại chỗ.

III . BÀN THÊM

1. Bản kinh trên để lại một số điểm suy nghĩ :

- Dưới thời đức Phật, các hoạt động của Lục sư ngoại đạo phát triển trên cùng nhiều vùng đất với Phật giáo, hẳn là có nhiều cuộc tranh luận, trao đổi và nhiều va chạm. Hình ảnh phẫn nộ của Nàtaputta đã gián tiếp nói lên nhiều va chạm, bất ổn khác. Việc truyền bá Chánh pháp là một Phật sự rất khó khăn.

- Thái độ của ngoại đạo rất kiêu ngạo, thiếu hẳn sự hiểu biết.

- Đức Thế Tôn vẫn phải hứng chịu nhiều xuyên tạc, vu khống cho thái độ thù nghịch của ngoại đạo.

2. Thuyết nhân qủa nghiệp báo vốn đã có mặt trong văn hoá Ấn trước thời đức Phật. Cả phái Ni-kiền-tử cũng chủ trương về Nghiệp nhưng xây dựng trên cơ sở nhận thức sai lạc.

3. Upàli sau khi chứng ngộ Pháp, đã hết lòng tôn kính đức Thế Tôn, ca ngợi trí tuệ vô biên, tham ái đoạn tận ... Đây là một đoạn ngắn thuật lại lời ca ngợi Thế Tôn của Upàli rất điển hình :

" Sống theo chánh đạo
Trầm tư thiền tưởng,
Nội tâm không nhiễm.
Thanh tịnh trong sạch,
Không trước không chấp,
Không nguyện không cầu
Độc cư độc tọa,
Chứng đối thượng vị,
Đã vượt qua dòng,
Giúp người vượt qua ... "

-ooOoo-
( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 26-11-2003