Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 89

Kinh Pháp Trang Nghiêm
( Dhammacetiyasuttam )

- Discourse On Testimonies To Dhamma -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH  PHÁP TRANG NGHIÊM

1. Khi Thế Tôn ở thị trấn Medalumpa thuộc dân chúng Sakka, bấy giờ Thế Tôn đã 80 tuổi thọ, năm cuối cuộc đời, vua Pasenadi đang ở Kosala, nơi cách xa Madalumpa chừng ba do tuần (3 yoiana # 30 km), đi đến yết kiến Thế Tôn và đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, hôn bàn chân Thế Tôn tỏ lòng hết mực cung kính.

2. Thế Tôn hỏi đại vương Pasenadi vì lý do gì mà đại vương hết mực cung kính Như Lai ? thân tình với Như Lai ?

Đại vương Pasenadi nêu lên tám lý do như là các nét đặc thù của Như Lai và đệ tử Như Lai, gọi là pháp truyền thống : hay theo Chánh pháp ( Dhammanvaya ) như sau :

2.1. " Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chư Tỷ kheo khéo tu tập, hành trì ".

2.2. Chư Tăng, Ni sống giữ "sáu pháp hoà kính "

2.3. Chư Tăng sống định tĩnh, hỷ lạc, sống dựa vào sự hỷ cúng, tâm tư như con thú rừng giản dị.

2.4. Khi Thế Tôn thuyết pháp, Tăng chúng trân trọng lóng nghe.

2.5. Thế Tôn thuyết pháp nhiếp phục được chúng Sá-đế-lợi bác học, biện tài...

2.6. Thế Tôn thuyết pháp nhiếp phục được chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Gia chủ bác học biện tài...

2.7. Cả người thân của vua Pasenadi, chịu ân huệ lớn của vua cũng bày tỏ lòng tôn kính hết mực đối với Thế Tôn, mà không làm thế đối với đại vương.

2.8. Thế Tôn và đại vương Pasenadi đều thuộc dòng Sát-đế-lợi, xứ Kosala; Thế Tôn và đại vương nay đều đã 80 tuổi đời.

Thế Tôn dạy chư Tỷ kheo rằng các điều đại vương Pasenadi phát triển là pháp trang nghiêm liên hệ đến căn bản phạm hạnh mà các Tỷ kheo cần thấu hiểu.

III. BÀN THÊM

1. Bảy trong tám điểm mà đại vương Pasenadi tán thán Thế Tôn là các điểm đối chiếu Giáo Hội Thế Tôn và các Hội chúng ngoại đạo khác đương thời mà đại vương đã từng quan sát, tham vấn : Thế Tôn và Giáo Hội của Thế Tôn nổi bật giá trị giải thoát, phạm hạnh và đại tuệ, trong khi các Giáo hội khác thì hầu như cách xa thật xa các giá trị ấy.

2. Điểm thứ hai nói lên lý do biểu lộ thân tình nhưng rất cảm động : ngoài yếu tố Thế Tôn và đại vương cùng giai cấp, cùng đất nước ( quê hương ), còn một yếu tố tuổi tác lớn : 80 tuổi đời : Đã già như thế mà Thế Tôn vẫn còn đi bộ từ xứ nầy đến xứ khác để hoằng pháp; đã già như thế mà đại vương trải qua một đoạn đường bộ dài hơn 30 km để chỉ yết kiến Thế Tôn trong một lúc, rồi từ giã Thế Tôn trở về với nhiều công việc triều chính.

Có lẽ như đây là một trong số ít lần yết kiến Thế Tôn sau cùng, vào cuối tuổi thọ của Thế Tôn.

3. Tưởng cũng nên dừng lại để chiêm ngưỡng chỗ ngồi của Thế Tôn tại các trú xứ trong rừng núi mà bản kinh 89 kiết tập.

" Những gốc cây khả ái, đẹp mắt, lặng tiếng, ít ồn, vắng người, thoáng gió, xa lánh mọi tụ hội đông đảo, thích hợp với trầm tư mặc tưởng nầy, chính tại đây chúng ta đảnh lễ Thế Tôn... "

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004