Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 102

Kinh Năm, Ba
( Pancattayasuttam )

-  Discourse On The Three fold Five -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH NĂM, BA

Nội dung kinh nầy trình bày các chủ thuyết của ngoại đạo tương tự nội dung được kiết tập ở kinh Phạm Võng, Trường Bộ I.

1. Các thuyết liên hệ về tương lai bàn về tự ngã

1.1. Sau khi chết tự ngã không bệnh, có tưởng.

1.2. Sau khi chết tự ngã không bệnh, không có tưởng.

1.3. Sau khi chết tự ngã không bệnh, phi tưởng và phi phi tưởng.

1.4. Chủ trương đoạn diệt, chết là hết, hữu tình không còn tồn tại.

1.5. Một thuyết chủ trương hiện tại Niết bàn lạc.

1.6. Sau khi chết tự ngã không bệnh, có sắc, có tưởng.

1.7. Sau khi chết tự ngã không bệnh, không sắc, có tưởng.

1.8. Sau khi chết tự ngã không bệnh, hoặc có sắc và không sắc, có tưởng.

1.9. Sau khi chết tự ngã không bệnh, không sắc và không không sắc, có tưởng.

1.10. Sau khi chết tự ngã không bệnh, nhất tưởng, có tưởng.

1.11. Sau khi chết tự ngã không bệnh, dị tưởng, có tưởng.

1.12. Sau khi chết tự ngã không bệnh, thiểu tưởng, có tưởng.

1.13. Sau khi chết tự ngã không bệnh, vô lượng tưởng, có tưởng.

1.14. Một số Bà-la môn-chủ trương thức biến nầy khi vượt qua khỏi sẽ trở nên vô lượng, bất động.

Tất cả chủ trương trên thật ra phát sinh từ kinh nghiệm giới hạn của các Bà-la-môn từ các định Sắc giới và định Vô sắc giới. Thế Tôn biết rõ tất cả kinh nghiệm trên nhưng không chấp thủ, còn biết rõ hơn rằng tất cả là hữu vi, chịu sự đoạn diệt, Như Lai giải thoát khỏi hữu vi.

Trong các chủ trương trên, các Bà-la-môn chủ trương vô tưởng vô bệnh sau khi chết thì phỉ báng các chủ trương sau khi chết tự ngã có tưởng vô bệnh, họ cho rằng:

"Tưởng là bệnh hoạn, tưởng là mụt nhọt, tưởng là mũi tên, chỉ đây là tịch tịnh, thù diệu tức là vô tưởng "

Các Bà-la-môn chủ trương sau khi chết tự ngã không bệnh, không sắc, không tưởng thì nói rằng : " Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài hành, ngoài thức, ta chủ trương sự lai, vãng, tử, sanh, tăng trưởng, tăng thịnh hay tăng đại ".

Thế Tôn dạy : sự tình không có như vậy. Đây còn thuộc hữu vi, chịu sự đoạn diệt. Như Lai thấy rõ sự thật ấy và giải thoát khỏi hữu vi.

2. Các thuyết liên hệ đến quá khứ bàn về tự ngã :

2.1. " Tự ngã và thế giới thường còn, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng "

2.2. " Tự ngã và thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng ".

2.3. " Tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng ".

2.4. " Tự ngã và thế giới là không phải thường còn, không phải vô thường, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng "

2.5. Tự ngã và thế giới là hữu biên.

2.6. Tự ngã và thế giới là vô biên.

2.7. Tự bgã và thế giới là Hữu biên và Vô biên.

2.8. Tự ngã và thế giới không phải hữu biên, không phải vô biên.

2.9. Tự ngã và thế giới là Nhứt tưởng.

2.10. Tự ngã và thế giới là Dị tưởng.

2.11. Tự ngã và thế giới là Thiểu tưởng.

2.12. Tự ngã và thế giới là Vô lượng tưởng.

2.13. Tự ngã và thế giới là Nhứt hướng lạc.

2.14. Tự ngã và thế giới là Nhứt hướng khổ.

2.15. Tự ngã và thế giới là Lạc và khổ.

2.16. Tự ngã và thế giới là không Lạc, không khổ.

Các chủ trương liên hệ với quá khứ vừa nêu trên cho rằng " ngoài tín, hỷ, truyền thống ( tùy văn ), thẩm định các lý lẽ, tư duy và chấp nhận một quan điểm ", trí tự mình sẽ trở nên trong suốt, trong sạch : sự kiện này không xảy ra, vì ngay cả khi còn một ít, rất ít, trí mà các Bà-la-môn nỗ lực làm cho trong suốt, trong sạch thì vẫn còn vướng mắc vào chấp trước.

Thế Tôn biết như thế là hữu vi chịu sự đoạn diệt, Thế Tôn biết có sự đoạn diệt của hữu vi nên thấy được sự giải thoát khỏi hữu vi.

3. Các chấp thủ tế nhị của các Bà-la-môn từ bỏ quan điểm về quá khứ, từ bỏ quan điểm về tương lai và không hoàn toàn chú tâm đến những dục kiết sử

3.1. Các Bà-la-môn nầy đạt được Viễn ly hỷ và an trú. ( nhưng khi viễn ly hỷ đoạn diệt thì sự ưu tư sinh khởi, khi ưu tư đoạn diệt thì viễn ly hỷ sanh khởi : đây vẫn là hữu vi ).

3.2. Nếu các Bà-la-môn vượt qua viễn ly hỷ thì đạt phi vật chất lạc và an trú . ( nhưng khi phi vật chất lạc đoạn, thì viễn ly sanh khởi; khi viễn ly hỷ đoạn thì phi vật chất lạc sanh khởi: đây vẫn là hữu vi ).

3.3. Nếu các Bà-la-môn vượt qua được phi vật chất lạc thì đạt : vô khổ vô lạc thọ và an trú. ( nhưng khi vô khổ vô lạc thọ đoạn diệt, thì phi vật chất lạc sanh khởi; ; khi phi vật chất lạc đoạn diệt, thì vô khổ vô lạc sanh khởi : đây vẫn còn là hữu vi, chịu sự đoạn diệt ).

3.4. Nếu các Bà-la-môn vượt qua phi vật chất lạc, vượt qua vô khổ vô lạc, vị ấy quán, " Ta là tịch tịnh, ta là tịch diệt, ta là không chấp thủ ".

Tại đây nếu Bà-la-môn khởi lên các chấp thủ nêu trên thì vẫn còn vướng vào chấp thủ quan điểm. Nếu vị đại đức không vướng vào chấp thủ các quan điểm thì chắc chắn vị đại đức sẽ tuyên bố con đường thích hợp đưa đến Niết bàn.

Tại đây, với Thế Tôn, vô lượng tịch tịnh, tối thắng đạo được Như Lai Chánh Đẳng Giác, nghĩa là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, có sự giải thoát không chấp thủ.

III. BÀN THÊM

1. Các chủ trương về thế giới và tự ngã của các Sa môn, Bà-la-môn trong kinhNăm, Ba, số 102, trên là kết Quả chứng nghiệm tâm thức của họ qua Thiền chỉ, vào " Hiện tại lạc trú " và " Tịch tịnh trú "; tất cả chủ trương ấy là dựa vào cảm thọ và tri kiến qua cảm thọ với sự ràng buộc của chấp thủ, nghĩa là ngay đến các Bà-la môn từ bỏ các sắc, thọ và tưởng vẫn bị vướng mắc vào hành uẩn. Nói chung, tất cả đều bị vướng mắc, không thoát ly khỏi chấp thủ năm uẩn.

2. Sự chứng đắc của các Bà-la-môn luôn luôn ở trong phạm trù hữu ngã, vắng mặt thiền quán nên không thấy rõ sự nguy hiểm của các pháp hữu vi, không thấy rõ con đường xuất ly khỏi năm uẩn, không thể thấy rõ sự thật Duyên khởi, vô ngã. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Phật giáo và các Chủ thuyết liên hệ Thọ, Tưởng, Hành của các Bà-la-môn ngoại đạo ( phi Phật giáo ) : một đằng là tuyên bố sự thật vô ngã và vô thủ trước các cảm thọ, các tri kiến, một đằng là hữu ngã ( có tự ngã ) và chấp thủ cảm thọ tri kiến.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 01 -12-2005