Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 60

Kinh Không Gì Chuyển Hướng
( Apannakasuttam )

- Discourse On The Sure -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

Apannakasuttam :

- Đại tạng kinh Việt Nam, bản dịch của HT Minh Châu dịch là : " Kinh Không gì Chuyển Hướng ".

- Bản dịch Anh ngữ , Pali Text Society , Oxford , 1989 ghi : " Discourse On The Sure "

Chúng tôi nghĩ rằng từ Apannaka ( adj ) có nghĩa là Certain , True , hay Absolute . Theo mạch của ý bản kinh thì đề kinh có thể dịch là : Kinh Pháp Chắc Thật hay kinh Pháp Không Nghi ( Pháp không nghi hoặc )

( Các từ ngữ khác là quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH 60

1. Các Bà-la-môn của dân chúng Kosala ngưỡng mộ Thế Tôn đến yết kiến Ngài. Thế Tôn giới thiệu về Pháp chắc thật cho các Bà-la-môn để y chỉ như bậc đạo sư tin cậy của mình.

2. Pháp chắc thật ấy là kết qủa sự chọn lựa Pháp an toàn giữa các chủ trương tương phản của các Bà-la-môn đương thời.

2.1 * Một thuyết chủ trương không có quả báo của các nghiệp thiện, ác, bố thí, tế tự ... dẫn đến ba ác hành ( thân, khẩu, ý ) và tà kiến bị người trí đương thời chỉ trích.

* Một thuyết thì chủ trương ngược lại, dẫn đến ba thiện hành ( thân, khẩu, ý ) và được người trí đương thời tán thán.

- Dù có hay không có quả báo về kiếp sau, thì nếu sống theo thuyết thứ nhất sẽ đưa đến bất lợi hai đằng :

a) Nếu không có quả báo đời sau, thì bị các người trí chỉ trích.

b) Nếu có quả báo đời sau, thì sẽ bị thác sinh về ác thú, đọa xứ.

- Nếu sống theo thuyết thứ hai thì sẽ có lợi hai đằng :

a) Hiện tại được người trí tán thán.

b) Nếu có quả báo đời sau, thì sẽ sanh về thiện thú Thiên giới cõi đời nầy.

2.2.* Một thuyết cho rằng các hành động tự mình làm ác hay khiến người khác làm ác thì không có tội ác gì. Thuyết này cũng sẽ dẫn con người đến ba ác hành và tà kiến và sẽ nhận hậu quả bất lợi hai đằng như trên.

* Một thuyết chủ trương ngược lại, sẽ dẫn đến ba thiện hành và Chánh kiến, sẽ nhận được hậu quả có lợi hai đằng như trên.

2.3. * Một thuyết chủ trương tự nhiên luận, vô nghiệp, sẽ dẫn đến ba ác hành, tà kiến và nhận lấy hậu qủa tai hại cả hai đằng hiện tại và đời sau.

* Một thuyết chủ trương phản lại thuyết trên và sẽ dẫn đến kết qủa tương phản với kết qủa trên.

2.4. * Một thuyết chủ trương " Không thể có một vô sắc toàn diện ".

* Một thuyết chủ trương " Có một vô sắc toàn diện ".

Các chủ trương nầy dựa vào kinh nghiệm tu tập và chấp thủ vào sự thấy biết giới hạn.

Nếu chấp vào chủ trương thứ nhất thì sẽ thác sinh cõi Trời có sắc do ý tác thành.

Nếu chấp vào chủ trương thứ hai thì sẽ thác sinh vào cõi Trời không sắc do tưởng tác thành.

Nếu chấp vào thuyết thứ nhất thì sẽ rơi vào các liên hệ với sắc như đấu tranh, luận tranh, chấp kiến...

Nếu chấp nhận thuyết thứ hai sẽ được lợi ích là sẽ thành tựu sự ly tham, đoạn tận các Sắc pháp.

2.5 * Một thuyết chủ trương " Không thể có Hữu diệt toàn diện ".

* Một thuyết khác thì chủ trương " Có thể có Hữu diệt toàn diện "

- Nếu chấp thuận thuyết đầu thì sẽ thác sinh vào cõi Trời không sắc do tưởng tác thành. Nếu chấp thuận thuyết thứ hai thì sự kiện nầy có thể xảy ra : có thể nhập Niết bàn ngay trong hiện tại ( vì Hữu diệt ).

- Nếu nhận thuyết đầu thì tâm sẽ thiên về tham trước, tham ái, chấp thủ. Chấp nhận thuyết sau thì sẽ có lợi ích là tâm sẽ thiên về ly tham, vô trước, vô chấp thủ.

3. Cuối thời Pháp, Thế Tôn phân biệt có bốn hạng người ở đời ( như kinh 51, Kandaraka ), trong đó hạng không hành khổ mình không hành khổ người được tán thán ; hạng nầy sẽ sống ly dục tịch tịnh : đây là nếp sống phạm hạnh mà Thế Tôn và các đệ tử của Ngài dấn thân.

II. BÀN THÊM

1. Với các Bà-la-môn chưa vướng mắc vào chủ trương tôn giáo, học thuyết nào, đức Thế Tôn giới thiệu một pháp chọn lựa giữa các chủ thuyết đương thời dựa trên tiêu chuẩn lợi ích trong hiện tại - được các người trí tán thán và sự thác sinh vào đời sau, nếu là thật thì có lợi ích hơn, nếu không thật thì vẫn không đánh mất cái lợi ích trong hiện tại. Đây gọi là Pháp chắc thật, không nghi ngại.

Thế Tôn dẫn dắt dần dần, đi từ tin vào Nghiệp quả ( thay vì vô nhân, vô nghiệp ), có Nhân duyên, đến thà tin Hữu luận hơn là Đoạn diệt luận ; thà tin " có Vô sắc toàn diện, có Hữu diệt toàn diện " hơn là " Không có Vô sắc toàn diện, không có Hữu diệt toàn diện để trong hiện tại có thể thành tựu các thiện hành vô tham, vô sân, ly dục.

Sau cùng là giới thiệu chính con đường của Thế Tôn, nếu các Bà-la-môn muốn thực hiện thì có thể thử dấn thân. Ngài không chủ trương thuyết phục người ngoài đạo theo Ngài. Ngài không chủ trương chỉ thế nầy là đúng, còn tất cả là sai lầm.

2. Chỉ có sự thật và chỉ có sự thân chứng sự thật mới có sức mạnh thuyết phục các người trí ở đời. Đức Thế Tôn đã thuyết phục cả những trí thức và các tu sĩ ngoại đạo thời danh quy hướng Ngài, đi theo con đường của Ngài là vì lý do đó . 

-ooOoo-
( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 26-11-2003