Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 75

Kinh Màgandiya
( Màgandiyasuttam )

- Discourse To Màgandiya -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

( Từ ngữ quen thuộc )

II NỘI DUNG KINH MÀGANDIYA

1. Khi Thế Tôn trú tại thị trấn Kammasadhamma, tại nhà thờ lửa của Bà-la-môn Bharadvàja, du sĩ Màgandiya yết kiến Thế Tôn và nói với Bà-la-môn Bharadvàja rằng :"Tôn giả Gotama là vị phá hoại sự sống" - do vì Thế Tôn chủ trương đoạn trừ tham dục sinh khởi từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Thế Tôn với thiên nhĩ nghe được điều đó và hỏi Màgandiya rằng :" Một người hộ trì mắt, tai... như thế, đoạn trừ khát ái, nội tâm được an tịnh, ông nghĩ gì về người nầy."

- Màgandiya đáp ;" Không có gì, tôn giả ûGotama ". Thế là trong phút chốc Màgandiya tự động rời khỏi điều đã kết án Thế Tôn.

2. Rồi Thế Tôn tiếp phân tích cho Màgandiya thấy rõ dục vọng ở đời là thấp kém, nguy hiểm, đang nhai nghiến, thiêu đốt con người, những gì mà Thế Tôn lúc còn là Thái tử đã có đầy đủ và đã từ bỏ để xuất gia được sống trong lạc giải thoát. Thế Tôn dạy :

" Không bệnh, lợi tối thắng,

Niết bàn, lạc tối thắng,

Bát chánh là độc đạo,

An ổn là bất tử."

3. Cần thân cận chân nhân, nghe diệu pháp, sống đúng chánh pháp và tùy pháp thì sẽ tự mình biết, tự mình thấy : Dục là bệnh chướng, dục là cục bướu, dục là mũi tên; và do đoạn diệt tham ái, chấp thủ, nên Hữu diệt; do Hữu diệt nên Sanh diệt; do Sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn.

4. Nghe và hiểu, Màgandiya xin xuất gia và thọ đại giới. Tinh cần thực hiện độc cư, thực hành phạm hạnh và không bao lâu Màgandiya đắc A-la-hán quả.

III. BÀN THÊM

1. Qua cái nhìn Phật giáo của du sĩ Màgandiya cho thấy rằng đó là cái nhìn tiêu biểu cho số đông của người đời: xem dục vọng và sự thõa mãn lòng khát ái về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là lẽ sống, là sự sống. Do vì Phật giáo chủ trương đoạn trừ khát ái nên bị kết án là " phá hoại sự sống ".

Thực sự, nếu hiểu rõ sự thật chính dục vọng và sự thõa mãn của dục là nguồn gốc của sầu, bi, khổ, ưu, não ở đời thì hiểu ngay rằng : Phật giáo chủ trương diệt trừ khổ đau xây dựng sự sống, cuộc sống. Chính sự diệt trừ dục vọng là diệt trừ khổ đau, đem lại an vui, hạnh phúc cho đời. Đạo Phật trở nên khó hiểu, khó chấp nhận, khó thực hành do vì người đời nắm giữ quá chặt lòng khát ái. Đạp Phật trở nên dễ hiểu, đơn giản, dễ chấp nhận, dễ thực hành khi nào con người thấy rõ cái thấp kém, nguy hiểm của dục vọng, thấy rõ đến gờm tởm nó : bấy giờ an lạc tự có.

2. Ở đời cũng có kẻ chủ trương " không bệnh lợi tối thắng; Niết bàn, lạc tối thắng " nhưng không tự mình biết rõ chân nghĩa thế nào là bệnh, thế nào là lạc của Niết bàn. Phải gần Thế Tôn và các đệ tử của Thế Tôn học được Chánh pháp mới nắm được chân nghĩa ấy : khát ái ( dục ái, hữu ái,vô hữa ái ) là bệnh; Ái diệt là Niết bàn, Bát Thánh đạo là con đường độc nhất dẫn đến Niết bàn.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 20-06-2004