Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 76

Kinh Sandaka
( Sandakasuttam )

- Discourse To Sandaka -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH SANDAKA

1. Ở Kosambi ( Kiều Thương Di ), tôn giả Ànanda đến một trú xứ du sĩ ngoại đạo Sandaka. Sandaka thỉnh cầu tôn giả thuyết pháp của Thế Tôn và tôn giả đáp ứng.

2. Tôn giả Ànanda nói về bốn phi phạm hạnh :

Đây là bốn trong các " ngoại đạo thuyết " đương thời, nếu sống theo thì sẽ không thể thành tựu Đạo, không thể đi đến chí thiện.

2.1. Thuyết duy vật của Ajita ( Kesakambala ) còn gọi là thuyết "đoạn diệt ", phủ nhận các tế tự, phủ nhận nhân quả, phủ nhận luân hồi, chủ trương hư vô : con người chết là hết, không còn tồn tại.

2.2. Thuyết vô nghiệp, không có quả báo thiện, ác của Purana Kassapa.

2.3. Thuyết, vô nhân vô duyên bị nhiễm ô; vô nhân vô duyên được thanh tịnh của Makkhali Gosàla, con người bị dẫn dắt bởi trùng hợp, định mệnh v.v..

2.4. Thuyết về bảy yếu tố ( bảy phạm trù ) độc lập, thường hằng (địa, thủy, hỏa, phong, lạc, khổ và mạn ); một phần là nội dung của " luân hồi tịnh hoá ", vô nghiệp, của Pukudha Kàtyayana.

3. Tôn giả Ànanda nói về bốn " bất an phạm hạnh ".

3.1. Chủ trương vị đạo sư là bậc " nhất thiết trí, nhất thiết kiến ": nếu một người gặp nạn là do phải gặp nạn; phải hỏi han người khác việc nầy việc nọ là phải làm như thế...

Đây quả là " bất an trí, bất an kiến ", là " bất an phạm hạnh " thứ nhất .

3.2. Có chủ trương " xem các truyền thuyết là chân thật ": với truyền thuyết thì khi được nhớ thế nầy, khi được nhớ thế khác; khi được nhớ, khi bị quên v.v...

Đây là " bất an phạm hạnh " thứ hai .

3.3. Có chủ trương dựa vào suy luận, lý luận như là chủ nghĩa "Duy lý " (Rationalism ). Đây là " bất phạm hạnh " thứ ba.

3.4. Có chủ trương không chủ trương, trườn uốn như con hươu, là "ngụy biện thuyết " để tránh sự hổ thẹn do sự bế tắc trong tranh luận ( sợ bị các chủ trương khác đánh bại ), do Sanjaya Belatthaputta đề xướng.

Đây là " bất an phạm hạnh " thứ tư.

4. Tiếp đó, tôn giả Ànanda giới thiệu Chánh pháp của Thế Tôn :

4.1. Đoạn trừ các ác bất thiện pháp, hay đoạn trừ " Ngũ cái ".

4.2. Đi vào " Hiện tại lạc trú " ( bốn thiền Sắc giới ).

4.3. Đi vào Tam minh ... , đắc A-la-hán-quả.

4.4. Một vị A-la-hán thì mãi mãi đoạn tận lậu hoặc, vô lậu thường có mặt, vô lậu tâm thường hiện diện, luôn luôn hiện diện, mà không phải " Nhất thiết trí " thường hiện diện.

5. Sau thời Pháp của tôn giả Ànanda, Sandaka và Hội chúng du sĩ do Sandaka hướng dẫn đều quay về thực hiện con đường phạm hạnh do Thế Tôn giới thiệu.

III. BÀN THÊM

1. Bối cảnh mà Hội chúng du sĩ của Sandaka sinh hoạt tạp thoại bàn đủ chuyện thế gian nói lên môt điều rõ ràng rằng : Hội chúng nầy chưa có một hướng sống được định hình, chưa có một " con đường " đi đến an tịnh, giải thoát.

2. Để giới thiệu con đường sống phạm hạnh được Thế Tôn giảng dạy "tôn giả Ànanda bàn đến các quan điểm, chủ trương, các hướng sống đương thời ngoài Phật giáo trước tiên và chỉ rõ các hướng đi đó không phải là chánh đạo. Đó là " bốn phi phạm hạnh " và " bốn bất an phạm hạnh " không phù hợp với thực tại như thật, không thể dẫn đến đích an lạc, giải thoát. Tiếp đến, tôn giả Ànanda mới giới thiệu con đường của Chánh kiến, chánh đạo của Giới, Định, Tuệ vào " Hiện tại lạc trú " và "Tam minh ", con đường tẩy sạch dục vọng, tẩy sạch tất cả cấu uế của tâm.

3. Tôn giả Ànanda đã đặt Hội chúng du sĩ của Sandaka trước một sự lựa chọn:

- Hoặc là từ bỏ tất cả để hướng đến chánh đạo, chánh trí giải thoát.

- Hoặc tiếp tục con đường nắm giữ các quyền lợi, tôn kính danh vọng và lợi dưỡng.

Kết quả là Sandaka và Hội chúng du sĩ của Sandaka quyết định chấp nhận dấn thân vào con đường phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn : đó là con đường độc nhất đi vào an lạc và giải thoát 
 
 

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 20-06-2004