Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 86

Kinh Angulimàla
( Angulimàlasuttam )

- Discourse With Angulimàla -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Lạc giải thoát : Vimuttisukham : The bliss of freedom.

- Thiện lai : Sàgatam : Svàgatam : This coming of mine was beautiful : Sự đến với Thế Tôn, với Chánh pháp, của tôn giả Angulimàla là tuyệt vời, tuyệt đẹp.

II. NỘI DUNG KINH ANGULIMÀLA

1.Tại thành Sàvatthì ( Xá-vệ), nước Kosala, dưới sự quản trị của Vua Pasenadi ( Ba-tư-nặc ), tên cướp thời danh Angulimàla - theo Trưởng lão Tăng kệ, Angulimàla nghe ngoại đạo xúi dục, nếu giết 1000 người rồi lấy 1000 ngón tay làm tràng chuỗi đeo vào cổ sẽ đắc giải thoát, Angulimàla đã giết 999 người, chỉ còn một người cuối cùng chưa thể kiếm được. Vua Pasenadi cho quân lính đi tiễu trừ nhiều lần mà thất bại. Một hôm bà mẹ Angulimàla tìm đến Angulimàla báo tin cho Angulimàla chạy trốn sự truy bắt của nhà vua, Angulimàla định giết mẹ. Biết vậy, Thế Tôn đi đến để cứu Angulimàla ra khỏi một " đại thảm họa "... giết người gây kinh hoàng cả một vùng đất rộng lớn. Thế Tôn một hôm tìm đến Angulimàla và thị hiện thần thông và nói Pháp giúp Angulimàla tỉnh ngộ, xuất gia liền đắc Thánh quả hữu học ngay sau đó.

2. Vua Pasenadi đến yết kiến Thế Tôn và ngỏ ý đang lo lắng việc tiễu trừ tên cướp thời danh ấy. Thế Tôn hỏi nhà Vua : nếu Angulimàla trở thành một tu sĩ chân chính thì nhà vua sẽ xử sự như thế nào ? Vua đáp : sẽ cung kính đảnh lễ và lo tứ sự cúng dường. Thế Tôn liền giới thiệu Tỷ kheo Angulimàla ngồi kiết già gần đó, vua Pasenadi sau một hồi khiếp vía mới kịp hồi tỉnh trước lời trấn an của Thế Tôn.

Vua Pasenadi xin lo " tứ sự cúng dường ", nhưng Angulimàla tứ chối vì quyết tâm theo hạnh " khất thực ".

3. Tỉnh ngộ của Angulimàla qua lời dạy : " Thế Tôn đã đứng ( lúc đang bước ), còn Angulimàla chưa đứng ( giữa khi đã đứng lại rồi )". Điều nầy đã được kinh dạy rõ : Thế Tôn đã bỏ trượng, kiếm, bỏ dục vọng còn Angulimàla thì chưa !

4. Một hôm đi khất thực chứng kiến sự kiện " một bgười phụ nữ đau đẻ ", Angulimàla theo lời dạy của Thế Tôn trở lại bên giường đẻ của người phụ nữ, nghiêm trang nói rằng : " Tôi từ lúc Thánh sanh đến nay chưa hề nói dối, chưa hề sát sinh, nếu đây là sự thật thì xin người phụ nữ nầy sinh đẻ được an toàn ". Người phụ nữ liền sinh con và an toàn.

5. Một ngày kia sau khi thiền quán, đắc A-la-hán, Angulimàla đi khất thực và bị dân chúng phát hiện tôn giả là tên cướp giết người khét tiếng trước đây, tôn giả bị ném đất, đá và cây đến chảy máu đầu ràn rụa, rách y và bị thương tích đầy mình.

Lúc trở về với bình bát đã bị đánh vỡ và với hình dạng " thê lương ", máu me, tôn giả được Thế Tôn quan tâm tự tay rửa và băng bó vết thương. Thế Tôn dạy :

" Ông nay gặt hái trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều nghìn năm ".

Sau đó tôn giả sống độc cư và hưởng thụ lạc giải thoát và nói lên bài kệ cảm thán, với hai đoạn kệ đáng nhớ sau đây :

" Ai trước đây phóng dật, sau đó không
Sáng chói đời nầy như trăng thoát mây;
Ai trước làm các ác nghiệp, sau hành thiện,
Sáng chói đời nầy như trăng thoát mây.

" Kẻ vô trí, đam mê phóng dật
Người trí thì giữ không phóng dật,
Như giữ tài sản cao quý nhất.
Chớ đam mê phóng dật, dục lạc.
Không phóng dật, chuyên tâm thiền định.
Chứng đắc đại lạc, quảng đại vô lượng ".

III. BÀN THÊM

Câu chuyện về tôn giả Angulimàla để lại nhiều bài học đặc biệt :

1. Một thời mắc vào tà kiến và rơi vào sát nghiệp rất nặng mà tôn giả Angulimàla, người có trí, chỉ nghe một lời dạy chánh pháp của Thế Tôn liền bừng ngộ, quăng bỏ vũ khí giết người, xuất gia, đắc liền Thánh quả Hữu học và không lâu sau đó đắc luôn quả vị A-la-hán, thành tựu phạm hạnh. Hệt như lời dạy của chư Tổ về sau : " Phóng hạ đồ đao, lập nguyện thành Phật ".

Đây là bài học rằng : Với người có trí và quyết tâm giải thoát thì việc vượt qua đại ác nghiệp ngay trong hiện tại không khó.

2. Sau khi đắc A la hán, tôn giả còn bị quần chúng, gia đình của các nạn nhân, trút xuống đầu những căm hận, thân phải gánh chịu nhiều khổ đau, không thể tránh khỏi, dù Vua Pasenadi không truy tố tội cũ.

Đây là bài học về " dư báo " thuộc nhân quả ngoại giới, thân thọ báo, còn tâm thì giải thoát, chỉ có thân thọ báo trong hiện tại, sau khi mệnh chung thì nhập Niết bàn, không còn thọ khổ báo nữa.

3. Luật pháp do Vua Pasenadi, vị vua có đạo, thực thi thì không thi hành bản án đối với người xuất gia chân chánh như trường hợp của tôn giả Angulimàla. Thái độ đối xử thiên về cái tốt của hiện tại, mà không truy cứu quá khứ xấu ác.

4. Thế Tôn và các đệ tử của Ngài (như tôn giả Angulimàla) rất quan tâm đến các nỗi khổ đau của dân chúng trong địa phương : ngoài việc trao truyền Chánh pháp, các Ngài vẫn giúp đỡ quần chúng đi qua các khổ đau khi có thể. Hình ảnh tôn giả, một bậc Thánh, đứng cạnh giường đẻ của một phụ nữ biểu hiện mối quan tâm của mình thật là cảm động: hình ảnh nầy quả thật quá hùng hồn nói lên mối quan tâm rất người của hàng xuất thế đối với đời. Không thể nghi ngờ về sự quan tâm đến nỗi đau của xã hội của các tâm lý giải thoát !

5. Sự kiện tôn giả Angulimàla nói rằng :" Nầy cô, tôi từ lúc Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, cô được sanh đẻ an toàn !"

Đây là hạnh từ bi. Có lẽ với tâm từ bi lớn khởi lên các ước mong sẽ có một sức mạnh thành tựu ước mong như ý ,(!). Và như thế, việc rải từ tâm, bi tâm, hỷ tâm và xả tâm để hồi hướng cho an lạc của chúng sanh là có hiệu quả.

Hẳn nhiên, về mặt khoa học và tâm lý mà nhìn ( mà lý giải ) thì cái hình ảnh trang nghiêm và câu nói trang nghiêm của người tu sĩ đứng bên giường đẻ ( mà với người phụ nữ đang sinh thì đó là hình ảnh và câu nói ngớ ngẩn và buồn cười ) khiến cho người phụ nữ bật cười tạo nên một sức mạnh đưa hài nhi ra ngoài.

Với người viết, cả hai tác dụng trên đều có mặt và đều biểu hiện mối quan tâm thiết tha và đầy tình người của Phật giáo đối với đời, rất thiết thực và rất trí tuệ: Không có nét gì huyễn hoặc, thần bí biểu hiện ở đây, dù rằng với thần túc thông người tu sĩ có thể làm được nhiều việc ( nhưng không xử dụng thần thông, đây là điểm truyền thống ).

6. Thế Tôn biểu hiện sự quan tâm của bậc đạo sư Toàn giác đối với người đệ tử cũng thế, cũng biểu hiện rất thực và rất " người ". Ngài tự tay rửa và băng bó vết thương cho tôn giả Angulimàla, vừa nói lên các lời an ủi, trấn an.

7. Lời kệ :" Giữ không phóng dật như giữ gìn tài sản tối quý "thật là lời nói "hàng hàng châu ngọc " : để lại một bài học kinh nghiệm giải thoát vô giá cho các tu sĩ đời nay, những ai đang nuôi dưỡng khát vọng giải thoát : Bất phóng dật là kho báu của người tu sĩ, hay Tinh cần là kho báu của người tu, tất cả vật chất còn lại chỉ là mộng mị !

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004