Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 100

Kinh Sangàrava
( Sangàravasuttam )

- Discourse To Sangàrava -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH SANGÀRAVA

1. Nữ Bà-la-môn Dhànanjànì rất tôn kính Thế Tôn, thường tác thanh xưng danh hiệu Thế Tôn. Thấy thế, thanh niên Bà-la-môn Sangàrava, thông tuệ, thông hiểu ba tập Vệ đà bất bằng cho nữ Bà la-môn kia là hạ liệt và lên tiếng miệt thị Thế Tôn.

Nữ Bà-la-môn ôn tồn nói : nếu chàng mà biết đến Giới đức và Tuệ đức của Thế Tôn thì sẽ không nói lên lời miệt thị ấy.

Khi biết Thế Tôn đang trú ở Candalakappa, Sangàrava đến yết kiến Thế Tôn và bạch hỏi Thế Tôn :

" Có một số Sa-môn, Bà-la-môn tự nhận rằng về căn bản phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Tôn giả Gotama nghĩ gì về các vị ấy , "

2. Thế Tôn phân tích cho Sangàrava thấy sự khác biệt của các người cùng nói lên lời tuyên bố trên : có người theo tin đồn, có người nói do lòng tin, có người nói do lý luận, có người nói do tự mình chứng tri.

Thế Tôn là một trong những người tự mình chứng tri pháp chưa từng được nghe trên. Rồi Thế Tôn thuật lại quảng đường tìm đạo, hành đạo và các quả chứng ngộ của thế Tôn cho Sangàrana nghe tận tường

3. Sangàrava lại hỏi : " có chư Thiên không ".

Thế Tôn dạy :" Ta biết chắc chắn có chư Thiên ".

Sangàrava hoan hỷ thọ lời dạy của Thế Tôn và xin được trọn đời quy ngưỡng Thế Tôn.

III. BÀN THÊM

1.Lời phát biểu của các Bà-la-môn trưởng các Hội chúng thời danh cho rằng họ đã thành tựu phạm hạnh, thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí ( abinnavesana paramitta ), tương tự trí tuệ Ba la-mật của Bát Nhã, mang một ý nghĩa cá nhân : nó bị giới hạn trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của họ, có khi bao hàm " ý đồ " về tôn giáo, về danh vọng và lợi dưỡng. Nội dung chứng đắc của họ hoàn toàn khác hẳn nội dung chứng đắc của Thế Tôn. Không tiện vạch rõ sự thật nầy, Thế Tôn đã tế nhị phân tích cho Sangàrava biết về sự khác biệt của nội dung chứng đắc. Ngay cả khi tự tuyên bố rằng : tự mình chứng đắc pháp hy hữu ( vị tằng hữu ) thì cũng thiếu cơ sở để minh chứng sự thật chứng đắc ấy. Vì thế, Thế Tôn nói rõ lộ trình chứng đắc, cảnh giới tâm thức chứng đắc và quả vị chứng đắc cho Sangàrava. Sự trình bày như thế này, cho đến điểm nầy, nếu đối tượng nghe chưa đủ trí tuệ đón nhận thì thật khó minh chứng Chỉ còn, trong một số trường hợp cần thiết, thị hiện đại thần thông ( như một số kinh đã kiết tập ) mới thuyết phục được đối tượng nghe pháp.

2. Thời đại ngày nay đang xuất hiện đó đây các hiện tượng chứng đắc ngụy tạo, nếu không xử dụng thần thông lớn để vạch trần sự giả trá thì thật tai hại cho đời.

3. Câu hỏi : " Có chư Thiên không " cách đây 26 thế kỷ là một câu hỏi lớn của thời đại gợi mở cái thắc mắc rằng : Không biết ngoài cõi Người còn có các cảnh giới khác không ? Nếu không thì hẳn Nhân quả, Nghiệp báo không được thành lập. Thế Tôn, vì thế, đã nhấn mạnh câu trả lời : " Ta biết chắc chắn có chư thiên " - Ngài thân chứng - để giải tỏa hoàn toàn thắc mắc ấy.

Ngày nay, nhân loại đang chi tiêu với một khoảng chi tiêu khổng lồ để đi tìm kiếm sự thật rằng : ngoài sinh vật trên trái đất, còn có sinh vật ở các hành tinh khác nữa không ? ( mà không phải chư Thiên )

4. Giới thiệu lộ trình tu tập giải thoát của Thế Tôn là hình thức giới thiệu con đường phạm hạnh mà Thế Tôn giảng dạy cho các đệ tử của Ngài vậy.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 01 -06-2005