Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 108

Kinh Gopaka Moggallàna
( Gopaka Moggallànasuttam )

- Discourse To Gopaka Moggallàna -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH 108

1. Sau khi Thế Tôn thị tịch không bao lâu, tôn giả Ànanda trong thời gian đang trú ở Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương xá, đi đế gặp Bà-la-môn Gopaka-Moggallàna tại nơi làm việc của ông. Bà-la-môn Gopaka niềm nở tiếp đón tôn giả và nêu lên một câu hỏi rất đặc biệt rằng :

" Có thể chăng một Tỷ kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn đã thành tựu ? "

Tôn giả Ànanda khẳng định : " Không có ". Một đệ tử là vị sống hành đạo và tùy hành và sẽ thành tựu pháp ấy về sau ( ở đời sau ).

2. Bà-la-môn Gopaka lại nêu lên câu hỏi đặc biệt thứ hai : " Thưa tôn giả Ànanda, có vị Tỷ kheo nào được Thế Tôn sắp đặt :" Vị nầy sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Tỷ kheo, và các Tỷ kheo sẽ y chỉ vị này? "

Tôn giả Ànanda lại khẳng định : " Không có ".

3. Gopaka lại nêu câu hỏi thứ ba rất đặc biệt :

" Thưa tôn giả Ànanda, có một Tỷ kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ kheo Trưởng lão sắp đặt : " Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi và các Tỷ kheo sẽ y chỉ vị nầy ? "

Tôn giả Ànanda khẳng định : " Không có ".

4. Gopaka hỏi câu thứ tư :

" Như vậy do nhân gì duyên gì các Tỷ kheo có thể hòa hợp ? "

Tôn giả Ànanda đáp : " Pháp là chỗ nương tựa của các Tỷ kheo ".

Tôn giả giải thích :

- Các Tỷ kheo sống hòa hợp dựa vào giới bổn Patimokkha.

5. Gopaka lại hỏi câu hỏi thứ năm :

" Có vị Tỷ kheo nào mà nay qúi vị cung kí,h, tôn trọng lễ bái, cúng dường và nương tựa ? "

Tôn giả Ànanda đắp : " Có " và tôn giả giải thích ý có nầy :

- Đó là vị Tỷ kheo hội đủ 10 pháp khả hỷ sau đây :

5.1. Có giới đức ...

5.2. Vị ấy đa văn ...

5.3. Vị ấy sống tri túc...

5.4. Chứng bốn Sắc định rõ ràng...

5.5. Chứng Thần túc thông...

5.6. Chứng Thiên nhĩ thông ( bản dịch của ĐTK.VN thiếu phần nầy )...

5.7. Chứng Tha tâm thông ...

5.8. Chứng Túc mệnh thông ...

5.9. Chứng Thiên nhãn thông ...

5.10. Chứng Lậu tận thông ...

Ghi chú :Chỉ có Thế Tôn là có đầy đủ 10 pháp trên. Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên vào cuối đời cũng hội đủ 10 pháp ấy và đã nhập vô dư y Niết bàn trước Thế Tôn.

6. Rồi bấy giờ Bà-la-môn Vassakara, đại thần của xứ Magadha thưa với tôn giả Ànanda :

" ... Tôn giả Gotama tán thán tất cả thiền định ". Tôn giả Ànanda đính chính :

Có hai dòng thiền định :

- Một dòng thiền định mà các hành giả sống thấm nhuần ngũ cái và dùng ngũ cái làm đối tượng để thiền tu, thiền tư, thiền định, thiền nhập. Với loại thiền nầy, Thế Tôn không tán thán.

- Một dòng thiền định ly dục, trừ ngũ cái, diệt tầm tứ. Với dòng thiền nầy, Thế Tôn tán thán.

III. BÀN THÊM

1. Về câu trả lời của tôn giả Ànanda cho câu hỏi thứ nhất của Gopaka xác định rằng hàng đệ tử của Thế Tôn không có ai thành tựu đầy đủ, trọn vẹn tất cả các pháp mà Thế Tôn đã thành tựu. Điều nầy khẳng định không có một Tỷ kheo nào có thể đóng vai trò đạo sư thay Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập diệt. Trên thực tế, lúc trú thế Thế Tôn có xác nhận hai đại đệ tử hàng đầu của Thế Tôn, tôn giả Sàriputta và Moggallàna có thể thay Thế Tôn chuyển vận bánh xe Pháp lúc gần cuối đời của hai tôn giả nầy. Nhưng hai tôn giả nầy đã nhập Niết bàn trước Thế Tôn. Sự kiện nầy nói lên truyền thống Phật Pháp, theo Nikàya, không thể có hai Thế Tôn cùng có mặt ở đời.

2. Về câu trả lời của tôn giả Ànanda cho câu hỏi thứ hai của Gopaka xác định Thế Tôn không có phú chúc người thay thế vai trò đạo sư của Thế Tôn sau khi Thế Tôn thị tịch. Đây chỉ là sự lập lại nội dung của câu trả lời thứ nhất của tôn giả Ànanda.

3. Về câu trả lời thứ ba của tôn giả Ànanda, xác định chúng Tỷ kheo,gồm các đại Trưởng lão, không có thỏa thuận sắp đặt một Tỷ kheo nào sẽ là chỗ nương tựa của chúng Tăng, sau khi Thế Tôn nhập diệt. Điều nầy lập lại nội dung của câu trả lời thứ nhất : do vì không có một Tỷ kheo nào thành tựu trọn vẹn các pháp mà Thế Tôn đã thành tựu. Điều nầy cũng xác định truyền thống của Chánh pháp, theo kinh tạng Pàli, không một A-la-hán Chánh Đẳng Giác có mặt ở đời giữa khoảng thời gian hai Thế Tôn ra đời. Cần lưu ý rằng các vị Bích Chi Giác chỉ là một A-la-hán, mà không phải là một A-la-hán Chánh Đẳng Giác.

4. Về câu trả lời thứ tư, tôn giả Ànanda lập lại lời dạy của Thế Tôn trước ngày vào Vô dư y Niết bàn rằng : " Sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp - con đường Giới, Định, Tuệ, hay tạng Luật và tạng Kinh là chỗ nương tựa của chúng Tăng.

5. Về câu trả lời thứ năm, tôn giả Ànanda nói lên 10 pháp khả hỷ mà một Tỷ kheo thành tựu trọn vẹn để trở nên chỗ y chỉ, nương tựa của chúng Tăng. Chỉ có Thế Tôn là vị thành tựu trọn vẹn 10 pháp ấy; các đệ tử của Thế Tôn chỉ có thể thành tựu về sau - nghĩa là thành tựu sớm nhất là vào thời kỳ tiếp theo khi có một Thế Tôn khác ra đời.

6. Câu trả lời thứ sáu của tôn giả Ànanda xác định Thế Tôn không tán thán tất cả thiền định, mà chỉ tán thán dòng Thiền định ly dục, ly tầm và tứ, chứng và trú đệ tứ thiền Sắc định ( và Tịch tịnh trú ). Điều này nói lên con đường thiền định của Phật giáo khác hẳn với con đường thiền định khác trong văn hóa Ấn đương thời và xác định gián tiếp rằng đó là con đường độc nhất dẫn đến Niết bàn.

7. Câu trả lời thứ sáu, bao gồm phần cắt nghĩa của tôn giả Ànanda nói lên một sắc thái đặc thù, rất đặc thù của Phật giáo : " Nương tựa mình và nương tựa Pháp. Pháp là con đường Giới, Định, Tuệ, hay tạng Kinh và tạng Luật rất thực, rất người ( nhân bản ) và rất trí tuệ.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 01 -12-2005